icantech
Lập trình Web
9869
08/12/2023

CCU là gì? Tất cả những gì bạn cần biết về CCU

Trong khoa học máy tính, CCU là cụm từ viết tắt của Concurrent Users. Đây là một thông số kỹ thuật rất quan trọng đối với các nhà phát triển website, phần mềm hay trò chơi trực tuyến. Qua bài viết này, ICANTECH sẽ giúp các bạn tìm hiểu những kiến thức cơ bản về CCU.

1. CCU là gì?

Trong khoa học máy tính, CCU (Concurrent Users) là thông số về số lượng người dùng đang hoạt động hay đang sử dụng đồng thời một nguồn tài nguyên số nào đó. Nguồn tài nguyên này có thể là một chương trình phần mềm, một trò chơi, một tập tin, một trang web hoặc một hệ thống cơ sở dữ liệu được chia sẻ qua internet. Trên thực tế, CCU là một trong các tiêu chí quan trọng dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động và xây dựng chiến lược kinh doanh trong Digital Marketing. Người ta thường dùng nó để đánh giá độ hấp dẫn của trò chơi, một website hay một sản phẩm công nghệ và phân tích khả năng đáp ứng của CCU Server. Số lượng CCU truy cập tại cùng một thời điểm sẽ liên quan đến băng thông và cấu hình phần cứng thiết bị truyền dẫn dữ liệu. 

2. Những lợi ích của CCU

Thông qua CCU, người ta sẽ đánh giá được độ hấp dẫn của một website, một chương trình phần mềm hoặc một trò chơi điện tử online. Ví dụ, đánh giá một trò chơi mới ra mắt: Nếu xem xét tại những khoảng thời gian nhất định, số lượng người chơi login vào tài khoản rất lớn. Điều này chứng tỏ trò chơi rất thú vị và thu hút người chơi. Ngược lại, dù số lượng người lập tài khoản nhiều nhưng số lượng người chơi login vào tài khoản ít thì chứng tỏ game không hấp dẫn, không đáng để đầu tư hoặc phải có chiến lược phát triển khác để thu hút người chơi.

CCU là thông số quan trọng giúp xây dựng chiến lược Digital Marketing phù hợp. Chúng ta đến với một ví dụ về website thương mại điện tử: Nếu đánh giá được CCU tại một thời điểm nào đó là lớn nhất, thì sẽ có thể xây dựng chiến lược quảng cáo đạt hiệu quả cao nhất. Hơn nữa phân tích CCU (qua thông tin người dùng khi họ đăng ký) sẽ biết được đối tượng người dùng nào quan tâm đến sản phẩm nào, thời gian nào họ hay online, từ đó có kế hoạch phát triển phù hợp.

Phân tích CCU để xây dựng và nâng cấp CCU Server (hay phần cứng thiết bị) hợp lý. Trong đó, việc lựa chọn các giải pháp lưu trữ, truyền tải dữ liệu sẽ phụ thuộc rất lớn vào số lượng CCU trung bình. Ví dụ, nếu app của bạn có khoảng một triệu lượt người truy cập, sử dụng hàng tháng, chắc chắn sẽ đòi hỏi giải pháp xử lý mạnh hơn khi chỉ có khoảng một trăm nghìn lượt người truy cập. 

3. Điều gì xảy ra khi CCU Server quá tải?

ccu-la-gi

Khi số lượng người dùng đồng thời tăng lên vượt quá giới hạn làm việc của CCU Server, máy chủ sẽ bắt đầu xếp những yêu cầu truy cập tiếp theo vào hàng đợi. Và những yêu cầu truy cập này sẽ phải đợi đến khi hệ thống có thể phản hồi ngược. Nếu các yêu cầu cứ nhiều lên thì hàng đợi sẽ phức tạp hơn, chúng có thể làm chậm trang web, apps hoặc hệ thống truyền tải dữ liệu của máy chủ một cách đáng kể, tức là tình trạng lag sẽ diễn ra. Điều này có thể khiến người dùng ngừng sử dụng hoặc giảm tần suất sử dụng sản phẩm của bạn.

Thực tế, mỗi giải pháp kỹ thuật liên quan đến CCU Server đều có một giới hạn người dùng đồng thời riêng. Con số này có thể bắt đầu ở mức vài chục người và tăng lên gấp nhiều lần đối với các giải pháp hiện đại hơn. Tất nhiên, nhà cung cấp nào cũng mong muốn số lượng CCU hoạt động trên sản phẩm của mình tăng dần theo thời gian. Do đó, việc lựa chọn giải pháp CCU Server phù hợp là một vấn đề cần quan tâm trong chiến lược phát triển sản phẩm. 

4. Kiểm tra CCU như thế nào?

Các phần mềm phân tích CCU phổ biến (ví dụ Google Analytics hay Getclicky) sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi được các chỉ số như DAU (số lượng người dùng hàng ngày) hay MAU (số lượng người dùng hàng tháng), tổng số request trong một khoảng thời gian...Từ đó, bạn hoàn toàn có thể dùng các chỉ số này để kiểm tra, đánh giá CCU. Để thực hiện được những điều này, hệ thống của bạn cụ thể là Client và Server cần thỏa mãn một số điều kiện như sau:

  • Phía Client: rõ ràng Client phải thực hiện một tác vụ nào đó để Server có thể ghi nhận người dùng đang hoạt động. Tác vụ này có thể là: một request khởi tạo một session; mỗi request ping theo nhịp cố định hay một request đọc/ghi dữ liệu. Ở mức độ cao hơn, Client sẽ tự lưu trữ thông tin về user và gửi tới Server khi có yêu cầu.
  • Phía Server: thông thường có hai cách để kiểm tra CCU. Thứ nhất là theo dõi từng request của Client riêng theo nhịp tương tác đã quy định. Thứ hai sử dụng khi các Client không request theo nhịp, Server phải có một lớp middleware để tác động vào endpoint hệ thống. Cách thứ nhất được khuyến khích sử dụng do ổn định, chính xác hơn.

Tóm lại, việc kiểm tra CCU khi bạn là chủ sở hữu của website, phần mềm hay trò chơi online nào đó sẽ không khó. Có rất nhiều công cụ và mô đun khác nhau để có thể biết chính xác số người dùng đang hoạt động trong cùng một thời điểm. Việc kiểm tra, đánh giá CCU của trò chơi thì khó khăn hơn so với website vì thường thì bạn sẽ phải xây dựng bộ công cụ riêng và tích hợp với dữ liệu của trò chơi. 

Tiếp theo, ICANTECH sẽ giới thiệu với các bạn về Google Analytics, một công cụ hàng đầu để phân tích CCU, đặc biệt là với các website. Google Analytics cho phép theo dõi những người dùng truy cập mới và thời gian họ hoạt động trên website. Trong phiên hoạt động, người dùng sẽ thực hiện các hành động (tải trang, request, tương tác), những điều này đều được phần mềm ghi nhận và xử lý. Các bước đơn giản để đọc data trong Google Analytics:

  • Login vào tài khoản Google Analytics (sử dụng chính tài khoản google). Sau đó chọn Start Measuring, tiếp theo nhập các thông tin về website mà bạn muốn đo lường.

ccu-la-gi

  • Nhấn vào “Reporting” trên thanh công cụ phía trên;
  • Lựa chọn mục “Audience” trên thanh Sidebar;
  • Nhấn vào “Overview”;
  • Cài đặt khoảng thời gian mà bạn muốn theo dõi ở trên góc phải phần mềm;
  • Lựa chọn “Hourly” trên góc phải của đồ thị, chúng ta sẽ nhận được báo cáo dữ liệu như minh họa trong ảnh bên dưới.

ccu-la-gi

  • Lựa chọn “Day” trên góc phải của đồ thị, chúng ta sẽ nhận được báo cáo dữ liệu như minh họa trong ảnh bên dưới.

ccu-la-gi

5. Lời Kết

Tóm lại, việc đo lường, phân tích CCU (số lượng người dùng đồng thời) là một trong những giải pháp tốt giúp đánh giá hiệu quả, độ hấp dẫn của một sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (website, phần mềm hay trò chơi). ICANTECH hi vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu CCU là gì, cũng như biết rõ những lợi ích của CCU. 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết, nếu bạn đang quan tâm đến học lập trình thì hãy tham khảo ngay các khóa học lập trình dưới đây tại ICANTECH nhé

Nguồn ảnh: ICANTECH.

Share
Tags
Lập trình Web

Bài tương tự