icantech
Phương pháp giáo dục
1224
10/11/2023

Phương pháp giáo dục Montessori là gì? Tất cả những gì bạn cần biết về Montessori

Jeff Bezos “ông chủ” của đế chế Amazon đã cam kết tài trợ 1 tỷ đô để tài trợ cho các trường mầm non Montessori vào năm 2018. Có thể bạn không biết, rất nhiều vận động viên, nhạc sĩ hay bản thân Jeff đã từng được giáo dục bằng phương pháp Montessori. Vậy phương pháp giáo dục Montessori là gì? Cùng ICANTECH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1. Phương pháp giáo dục Montessori là gì?

Montessori là một phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở khoa học, nhấn mạnh sự tự lập, tôn trọng sự khác biệt, tự do, tâm lý của trẻ. Montessori được đặt tên theo bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori.

phuong-phap-giao-duc-montessori

Đặc trưng của phương pháp Montessori đó là tin rằng mỗi trẻ đều là những cá nhân độc đáo cũng như tiềm năng chưa được khai phá. Bởi vậy, giáo viên hướng dẫn trẻ thông qua các tài liệu cùng giáo cụ chuyên biệt.

Trong lớp học Montessori, trẻ được khuyến khích sáng tạo trong quá trình học tập, trong khi giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên môn để hướng dẫn trẻ trong suốt quá trình học. Trẻ sẽ được làm việc theo nhóm hoặc làm việc độc lập để tìm hiểu cũng như khám phá các kiến thức về thế giới quan.

Thông thường, các lớp học Montessori thường được trang trí với nhiều màu sắc để đáp ứng nhu cầu học hỏi của trẻ em ở từng độ tuổi. 

2. Nội dung của phương pháp giáo giáo dục Montessori

Phương pháp giáo dục Montessori tập trung vào 5 nội dung chính Thực hành cuộc sống, Cảm quan, Toán học, Ngôn ngữ và Văn hóa

2.1. Thực hành cuộc sống

Chương trình giảng dạy Montessori kết hợp các bài tập và hoạt động mà trẻ em quan sát trong cuộc sống hàng ngày. Những hoạt động này giúp phát triển sự độc lập, tập trung và kỹ năng vận động tinh của trẻ. Đó có thể là các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày như quét nhà, dọn dẹp, học cách cầm dĩa, cầm đũa…

phuong-phap-giao-duc-montessori

Giáo cụ cần chuẩn bị:

  • Thìa
  • Chổi
  • Bát 
  • Đũa

2.2. Cảm quan

Các hoạt động cảm quan dạy trẻ tinh chỉnh các giác quan về thị giác, xúc giác, âm thanh, khứu giác và vị giác để trẻ tìm hiểu và cảm nhận sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Thông thường trẻ sẽ cảm nhận thông qua các giáo cụ để tìm hiểu sự giống và khác biệt về kích thước, màu sắc, hình dạng, phân biệt mùi, vị, âm thanh. Bên cạnh đó, trẻ cũng được học về toán học, ngôn ngữ, hình học thông qua các bài tập về phân loại và sắp xếp.

phuong-phap-giao-duc-montessori

Giáo cụ cần chuẩn bị:

  • Hộp màu
  • Các loại hình khối
  • Các loại hình tháp

2.3. Toán học

Chương trình giảng dạy Toán học giúp trẻ tìm hiểu các khái niệm và mối quan hệ toán học trừu tượng thông qua các trải nghiệm học thực hành. Trẻ sẽ học cách đếm, xác định và ghép các chữ số. Đồng thời phân biệt các ký hiệu trong Toán như phép cộng, trừ, nhân và chia thông qua các giáo cụ.

phuong-phap-giao-duc-montessori

Giáo cụ cần chuẩn bị:

  • Số và bộ đếm
  • Que tính
  • Các phép nhân, chia, cộng, trừ

2.4. Ngôn ngữ 

Chương trình giảng dạy ngôn ngữ Montessori cung cấp cho trẻ em kiến thức và kỹ năng để xây dựng vốn từ vựng và sự hiểu biết về ngôn ngữ. Các kỹ năng cần thiết cho ngôn ngữ đọc, viết và nói thông qua việc thực hành các tài liệu ngôn ngữ Montessori.

Trẻ em học âm thanh chữ cái (phonics), nhận dạng và hình thành chữ cái, cách kết hợp âm thanh để tạo thành từ, cách xây dựng câu đơn giản và cách cầm bút chì đúng cách. Các kỹ năng ngôn ngữ nói được phát triển thông qua các tương tác hàng ngày.

Giáo cụ cần chuẩn bị:

  • Bảng chữ cái
  • Các loại thẻ
  • Bảng viết chữ

2.5. Văn hóa

Chương trình giảng dạy Văn hóa kết hợp một loạt các môn học, bao gồm: Địa lý, Thực vật học, Động vật học, Khoa học, Lịch sử, Âm nhạc và Nghệ thuật. Thông qua việc khám phá văn hóa, trẻ sẽ có thêm vốn hiểu biết về những thứ diễn ra xung quanh mình. 

Giáo cụ cần chuẩn bị:

  • Quả địa cầu
  • Thẻ câu đố
  • Các hình dạng minh hoạ đất và nước

3. Ưu và nhược điểm của phương pháp giáo dục Montessori

Phương pháp nào cũng có ưu & nhược điểm riêng và phương pháp giáo dục Montessori cũng không phải là ngoại lệ. Dưới đây là một số ưu & nhược điểm của phương pháp này:

3.1. Ưu điểm của phương pháp Montessori

3.1.1. Giúp trẻ sống tự lập

Như đã nói ở trên, Montessori là một phương pháp giáo dục nhấn mạnh sự tự lập, có nghĩa là trẻ được tự do tìm hiểu về thế giới xung quanh và đưa ra lựa chọn của riêng mình. 

Đó có thể là những việc nhỏ như tự mặc quần áo, ghép câu đố, rót nước, rửa mặt hay các kĩ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày như kiên trì, yêu cầu sự giúp đỡ…

Trong lớp học, giáo viên chỉ hỗ trợ và hướng dẫn trẻ em, họ chủ yếu quan sát và không can thiệp, trừ khi họ thấy cần thiết. Cách tiếp cận này giúp tăng sự tự tin cho trẻ, rằng trẻ có thể thành công trong bất cứ lĩnh vực nào mà các em theo đuổi.

3.1.2. Phát triển các kĩ năng xã hội

Mô hình Montessori thường được áp dụng vào các nhóm tuổi từ 0-3 tuổi, 3-6 tuổi. Điều này giúp trẻ quan sát và thực hành độc lập, những đứa trẻ lớn hơn có thể thực hành các kĩ năng lãnh đạo thông qua việc hỗ trợ các bạn nhỏ tuổi hơn.

3.1.3. Tăng tính tự giác

Trong quá trình học, trẻ sẽ được học cách sắp xếp từ những thứ nhỏ như đặt đồ vật vào vị trí cũ khi không sử dụng đến. Khi đã làm quen với những điều này ở lớp, trẻ sẽ dần hình thành thói quen và áp dụng ngay cả khi ở nhà. 

3.1.4. Phát triển trí thông minh

Phương pháp Montessori đề cao sự độc lập cũng như thúc đẩy khả năng học tập trong mỗi trẻ. Điều này tác động rất lớn đến trí thông minh của trẻ.

Thông qua quá trình tự học hỏi, khám phá và làm việc độc lập, não bộ của trẻ sẽ phát triển hơn so với việc học tập theo kiểu thụ động, chỉ làm theo những gì mà giáo viên hướng dẫn. Đó cũng chính là lí do mà Montessori tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Thực hành cuộc sống, Cảm quan, Ngôn ngữ, Toán học, Văn hoá để trang bị cho trẻ những kiến thức phong phú từ rất sớm.

3.1.5. Khai phá tiềm năng học tập

Với phương pháp Montessori, trẻ được tự do lựa chọn cách học, cách khám phá để đạt được mục tiêu cuối cùng. Bởi vậy, trẻ sẽ không cảm thấy áp lực và biến việc học trở thành niềm vui. 

phuong-phap-giao-duc-montessori

Khi học tập mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực, sẽ có thể tập trung và khám phá thêm những kĩ năng mới. Đồng thời đánh giá sự tiến bộ của bản thân và duy trì sự háo hức, tò mò sang những buổi học sau.

3.2. Nhược điểm của phương pháp Montessori

3.2.1. Chi phí cao

Các chương trình giáo dục áp dụng phương pháp Montessori thường có mức học phí cao hơn so với các trường khác. Điều này được lí giải bởi các trường Montessori thường phải chuẩn bị tài liệu, giáo cụ giảng dạy, xây dựng chương trình, tuyển dụng và đào tạo giáo viên.

Đó là lí do vì sao không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để cho trẻ theo học các trường Montessori.

phuong-phap-giao-duc-montessori

3.2.2. Các chương trình học khác biệt

Mặc dù đều bắt nguồn từ phương pháp Montessori gốc của nhà giáo dục người Ý Maria Montessori, tuy nhiên mỗi trường lại xây dựng giáo trình học tập khác nhau nhau.

Bởi vậy, bố mẹ cần tham khảo chương trình học Montessori của từng trường trước khi cho con theo học.

3.2.3. Sự độc lập không phải lúc nào cũng tốt

Nội dung phương pháp giáo dục Montessori nhấn mạnh sự tự lập, tôn trọng sự khác biệt, tự do, tâm lý của trẻ tuy nhiên không phải lúc nào sự độc lập cũng là điều tốt.

Sự độc lập đôi khi khiến trẻ cứng nhắc, khó tuân theo các quy tắc và khó làm việc nhóm. Trong khi kĩ năng làm việc nhóm là một trong những kĩ năng quan trọng trong kỉ nguyên số.

4. Lời Kết

Với bài viết trên, ICANTECH đã cùng bạn tìm hiểu chi tiết về phương pháp giáo dục Montessori. Hi vọng bài viết đã giúp bố mẹ có thêm kiến thức về Montessori để cân nhắc lựa chọn cho trẻ.

Nếu bố mẹ đang quan tâm đến các phương pháp để phát triển tu duy logic cho trẻ thì hãy tham khảo ngay các khóa học lập trình của ICANTECH phía dưới đây nhé

Nguồn ảnh: ICANTECH.

Share
Tags
Phương pháp giáo dục

Bài tương tự